DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG
Ngày đăng 10/05/2021 | 14:16  | Lượt xem: 6584

Di tích lịch sử và lễ hội truyền thống

      Vạn Phúc là một làng cổ nằm trấn giữ một đoạn trọng yếu ở hữu ngạn sông Hồng đã từng chứng kiến những sự tích lịch sử vẻ vang của dân tộc, của Thủ đô. Tương truyền rằng từ thế kỷ thứ VI, triều đình của Nhà nước Vạn xuân đã từng đặt trên đất Vạn Phúc mà vết tích là ở Vạn Phúc có đầm Vạn Xuân (còn gọi là đầm Thọ Vực Xuân Đài).

       Theo hồ sơ "Di tích lịch sử văn hoá cụm đình chùa Vạn Phúc" thì thần Hoàng làng được thợ ở đình có tên là Uy Mang. Thần văn võ kiêm toàn có công phò vua giúp nước đã được vua Hùng Vương thứ 18 là Hùng Duệ Vương phong sắc thờ ở 27 địa phương, trong đó có Vạn Phúc.

       Đình Vạn Phúc (Đình Chính): tọa lạc trên một khu đất rộng trong khu vực cư trú của làng, nằm sát bờ sông Hồng. Đình có quy mô kiến trúc khá đồ sộ, xây dựng theo hướng Tây - Nam. Từ ngoài đi vào di tích bao gồm: tam quan, đại đình, phương đình và hai dãy nhà tả mạc, hữu mạc. Tam quan dài 13m, cao 6m, xây theo kiểu vòm cuốn trên đó là hai mái chồng diêm khá cao tạo nên vẻ thanh cao, đồ sộ của di tích. Ở chính giữa tam quan là hai cột trụ xây gạch; trên cùng mỗi trụ là hình 4 con chim phượng đắp nổi khá công phu và đẹp mắt. Phương đình được làm dưới dạng hình vuông, xung quanh để trống, phía trên là bộ mái chồng diêm 8 mái, các góc mái được uốn cong, trên bờ các dải đắp nổi hình rồng phượng hướng về nóc mái. Phần hậu cung đình có kết cấu dạng chữ đinh. Ở vị trí trang trọng nhất đặt khám thờ và long ngài bài vị thần Hoàng làng. Đình thờ thần tên là Uy Mang (tức Hồng Mang, anh em sinh đôi với Hồng Bác con trai của vua Hùng Duệ Vương). Thần hiệu là Hướng Thiện cư sĩ Uy Mang linh ứng Đại vương. Theo thần tích, Uy Mang là một vị tướng tài văn kiêm võ, có công to trong việc đánh giặc, phù giúp vua cha giữ yên bờ cõi. Sau khi qua đời được triều đình phong cho làm Phúc thần, giao cho dân 27 địa phương lập đền thờ. Đình làng Vạn Phúc còn thờ Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần Lê Sạn, đỗ Thám hoa khoa Nhâm Tuất niên hiệu cảnh Thống thứ 5 (1502) thời vua Lê Hiến Tông làm đến Thượng thư bộ Lại kiêm chức Hàn lâm viện kiểm bạch. Hiện còn bia đá chép về lịch sử vị thần này và đôi câu đối như sau:

Thượng đẳng kiêm phù Lê tích cổ Vạn dân khang thái;

 Trung hưng dực bảo Nguyễn đẳng ân song miếu anh thanh.

Tạm dịch:

Dấu tích phù Lê xưa để vạn dân hạnh phúc;

Công huân giúp Nguyễn nay ơn hai Miếu anh linh.

            Vạn Phúc còn có ngôi Đình Thượng (hay còn gọi đình Mới), ngôi đình được xây dựng ở khu đất giáp làng Tranh Khúc. Con lũ lịch sử năm 1971 đã cuốn trôi toàn bộ ngôi Đình. Năm 1995, dân làng xây dựng lại ngôi Đình trên khu đất cạnh chùa hiện nay. Đình gồm hai cung: Cung hậu ba gian, cung tiền bốn mái, nóc đắp rồng chầu mặt nguyệt. Như vậy cho đến nay, ngôi Đình Thượng đã xây dựng đến lần thứ ba trên ba địa điểm khác nhau, kiến trúc cũng khác nhau.

           Đình thờ vị thần hoàng là Linh thần. Lưu truyền rằng: Vào thời Trần Thái Tông, Vua và công chúa Lý Chiêu Hoàng ngự thuyền rồng kinh lý xuôi sông Hồng. Khi thuyền trở vê kinh đô, thuyền ngược sông đến Vạn Phúc vào vật nước không tài nào qua nổi. Công chúa cho đoàn thuyền dừng lại tại bến Vạn Phúc. Khi lên trên bờ thấy có miếu thờ ở bờ sông của vạn chài. Khi thấy có ngôi đình, Lý Chiêu Hoàng vào đình làm lễ cầu nguyện. Sau khi làm lễ xong, bỗng trời đất tối sầm, gió nổi cuồn cuộn, sóng nước vật xoay đưa đoàn thuyền ra khỏi vật nước. Vua và công chúa về kinh thành an khang. Sau khi về kinh, Vua Trần xuống chiếu sắc phong cho thần Hoàng làng Vạn Phúc là “Thượng, thượng đẳng thần dực bảo hưng uy linh tướng hữu phủ khang tôn thần”.

Lễ hội truyền thống xã Vạn Phúc được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 5 - 6 tháng Giêng hàng năm

        Để tỏ lòng tôn kính của dân làng đối vối các vị thần Hoàng làng, hàng năm dân làng đều mở hội rước nước vào các ngày mồng 5, mồng 6 tháng giêng Âm lịch. Ngày mồng 5 tổ chức rước nước lên Đình mới (hay còn gọi là Đình thượng) và rước Thánh từ Đình thượng về Đình chính để tế hội đồng và thờ một đêm. Ngày mồng 6 rước Thánh hoàn cung về Đình thượng và tế tạ. Tại hai đình còn tổ chức hội lệ tế lễ vào các ngày mồng 5, mồng 6 tháng 3 và 15 tháng 8 âm lịch.

     Chùa Vạn Phúc (có tên chữ là Chung Linh tự), Chùa được xây dựng trên một gò đất cao ráo ở giữa làng theo hướng tây nam. Chùa có quy mô vừa phải, kết cấu kiến trúc tam bảo có dạng chữ đinh gồm: tiền đường, toà thiên hương, toà thượng điện. Hiện nay chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý:

       Tượng đá bia hậu: Đây là pho tượng quý đặc sắc nhất trong chùa. Tượng được làm dưới dạng phù điêu trong một khối đá hình chữ nhật cao 1,2 mét, rộng 0,8 mét. Toàn bộ mặt trước thể hiện chân dung người được thờ đầu đội mũ nỉ, đôi tai dài và to như tai phật... Theo truyền tụng thì qua tấm bia được biết. Bà Trần Thị Hiền người làng Linh Đàm (xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì) sống trong phủ Chúa Trịnh đã bỏ tiền của ra tu sửa lại chùa nên được tạc tượng để lưu thờ. Dòng lạc khoản của tấm bia cho biết bia và tượng được làm dưới thời Chính Hoà nhà Lê (thê kỷ thứ XVII).

      Chuông đồng: Quả chuông cao 1,25 mét, đường kính 0,8 mét. Đây là một di vật xác nhận sự có mặt của một triều đại võ công hiển hách trong lịch sử dân tộc ta. Dòng lạc khoản trên chuông ghi “Hoàng triều cảnh Thịnh vạn vạn niên chi ngũ quý xuân nguyệt sơ nhị nhật”, có nghĩa quả chuông được đúc vào ngày mồng 2 tháng 3 năm cảnh Thịnh thứ năm triều Tây Sơn (1747). Ngoài các di vật tiêu biểu trên, chùa còn một số di vật bằng đồ sứ, đá... trong đó có bát hương bằng đá (Bát hương có ba phần: chân đế, thân hình hộp chữ nhật và tay cầm có niên đại thế kỷ thứ XVIII).

       Chùa Tiên Linh (còn gọi là chùa Trắng, tên chữ là Tiên Linh tự), sở dĩ có tên gọi là chùa Trắng hay chùa Bụt Mọc là do có sự kiện vỡ đê thời Lý Thái Tổ: trong mây nước một màu, nhân dân địa phương thấy một pho tượng trôi trên đầm Thọ Vực (đầm Vạn Xuân). Nhân dân làm lễ khấn trời, thỉnh Phật thì pho tượng dừng trôi. Nhà vua họ Lý đã chứng kiến sự kiện này. Ngài cho dân dựng am để thờ rồi ngự phê tên chùa bằng chữ Nôm: chùa Bụt Mọc mà dân thôn gọi là chùa Trắng. Nếu căn cứ vào đây thì chùa Linh Tiên có thể ra đời từ thời nhà Lý.

        Chùa tọa lạc trên gò đất cao và đẹp nằm bên đê sông Hồng. Sau nhiều lần trùng tu đến nay quy mô kiến trúc của chùa không lớn, mang chất liệu mới và hiện đại. Cửa tam bảo quay về hướng tây; Chùa chính làm theo kiểu đầu hồi bít đốc, các bộ vì trong chùa làm theo dạng thượng giường hạ kẻ, vì kèo quá giang phía trên theo kiểu chồng giường. Bộ mái lợp ngói ta các mũi nhô cao có trật tự. Chùa có dáng vẻ đặc sắc riêng. Tam bảo có rất nhiều nét riêng biệt mang sắc thái đặc trưng của vùng sông nước từng trải qua những cơn hồng thuỷ. Ngôi chùa vốn cổ kính bị chiến tranh tàn phá đã được xây dựng lại trên nền chùa xưa. Cũng trải qua chiến tranh mà các hiện vật của chùa không còn nhiều lắm. Ngoài 45 pho tượng Phật bằng gỗ và 6 pho tượng Phật đắp bằng đất phải kể đến khám thờ và hiện vật bằng đồng. Khám thờ là một tác phẩm nghệ thuật chạm khắc độc đáo, kết hợp giữa các đường chạm bóng khéo léo khá lộng lẫy,tinh tế. Quả chuông đồng cao nửa mét, bốn mặt có đê chữ Tiên Linh tự chung, đúc hồi đầu thế kỷ XX (trong hoàn cảnh nhân dân trong xã còn nhiều khó khăn, dựng được ngôi chùa như hôm nay là một cố gắng lớn của nhân dân quê hương và thập phương phát tâm công đức).

     Chùa Tiên Linh không chỉ là một thắng cảnh trong vùng mà còn là nơi ghi dấu ấn của những chặng đường lịch sử chống ngoại xâm. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa là cơ sở hoạt động trong lòng địch của các cán bộ kháng chiến.

     Ngày 23-8-1945, tại Chùa Tiên Linh dân làng Vạn Phúc tập trung dự cuộc mít tinh để hưởng ứng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và chứng kiến sự ra mắt của Ủy ban lâm thời xã.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1947-1954), chùa Tiên Linh là cơ sở hoạt động của các đồng chí lãnh đạo cách mạng. Vạn Phúc là bàn đạp của các chiến sĩ biệt động nội thành. Năm 1952, tiểu đoàn 15 và huyện đội Thường Tín đã lấy chùa làm sở chỉ huy và là địa điểm liên lạc với cấp trên[1]... Giặc Pháp trước khi rút chạy đã đốt phá chùa. Sau ngày hoà bình lập lại, nhân dân Vạn Phúc đã đóng góp xây dựng lại ngôi chùa mới trên nền chùa Tiên Linh cũ, theo lối kiến trúc cổ. Đi liền với kiến trúc cùng hệ thống tượng trên Phật điện, còn có các câu đối:

     Thập phương lương đông khánh diễn tiện nghi độ hà từ bi lưu thắng tích;

Tam bảo qui mô vũ trụ sơn hà hồi phong quảng đại thái bình thiên.

Nghĩa là: 

Mười phương rường cột cảm vui nới rộng tới bờ từ bi lưu thắng tích;

Tam bảo quy mô, trời đất núi sông xuân phong bát ngát cõi trời lành.

     Chùa Tiên Linh đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia năm 1992.

       Nhà thờ họ Vạn Phúc (thuộc vào nhà thờ xứ thôn Đồng Trì xã Tứ Hiệp). Ở đây đã có hơn 1.300 nhân khẩu của các dòng họ Đinh, Nguyễn, Lã và một số dòng họ khác cùng chung lưng đấu cật xây dựng thánh đường và làng quê thân yêu hơn một thế kỷ nay([2]).

      Nhà thờ Thiên chúa giáo: nếu nói tới các di tích văn hóa lịch sử ở Vạn Phúc thì không thể không nhắc tới ngôi nhà thờ họ Đạo (Thiên Chúa) được khởi dựng từ năm đầu thế kỷ XX, toạ lạc trong một không gian thoáng rộng trên 4.500m2 thuộc thôn 3 ngoài đê xã Vạn Phúc vào năm 1908. Điều đặc biệt là gác chuông được xây cất sau 31 năm (tức đến năm 1939). Nhà thờ mới kiến tạo vào thế kỷ XIX, buổi đầu chỉ có mươi, mười lăm hộ đã xây được một di tích tôn giáo đẹp đẽ trong khuôn viên đầy cây trái xanh tươi. Các hàng cây gần trăm tuổi cao vút, kiêu hãnh như những chàng ngự lâm và lũy tre xanh cùng che chở bảo vệ nhà thờ.

      Chùa được xếp hạng di tích văn hoá, danh thắng nằm trong quần thể cụm đình chùa Vạn Phúc và những đình, chùa trong khu vực hình thành một vùng danh lam, thắng cảnh ở phía Nam Thủ đô.

      Cụm di tích Đình, Chùa ở Vạn Phúc được xây dựng trên mảnh đất giàu chất lịch sử, xa xưa là cửa ngõ quan trọng ở phía nam Kinh thành Thăng Long. Quy mô kiến trúc theo các kết cấu dân tộc truyền thống đã phản ánh tư tưởng, nhu cầu, ước vọng của nhân dân Vạn Phúc qua các thời kỳ và được lồng ghép vào các hình tượng trang trí thể hiện tài năng sáng tạo của nghệ thuật điêu khắc kiến trúc truyền thống. Cụm di tích đình chùa Vạn Phúc đã được trùng tu nhiều lần do địa thế nằm ngoài bãi sông Hồng trải qua những lần lũ lụt, nay cần được giữ gìn tốt hơn, tiếp tục tôn tạo và phát huy tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

        Truyền thống yêu nước, kiên cường của nhân dân Vạn phúc được kế thừa trong các cuộc kháng chiến chống Tống, Nguyên Mông, Minh, Thanh, đến cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, nhân dân các thôn, làng ở Vạn Phúc đã đóng góp sức người, sức của để góp phần làm nên những chiến công của dân tộc Việt Nam.

       Cụm di tích lịch sử Đình, Chùa ở Vạn Phúc đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia vào tháng 4 năm 1992.

1] Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Trần Quang Nghĩa đã viết giấy chứng nhận về khu chùa Tiên Linh trong giai đoạn lịch sử đó

[2] Theo truyền tụng, vào đầu thế kỷ trước do bị bọn giặc phương Bắc thường hay tràn xuống cướp phá của cải mà bốn người họ Đinh quê ở vùng biên phía Bắc tỉnh Yên Bái là Đinh Đồng Nhiên, Đinh Quản Chiêu, Đinh Thiết và Đinh Đê dẫn con cái chạy về đây để sinh sống. Các vị ấy đào ao vượt thổ đào được một hũ vàng. Họ bảo nhau rằng đây là của trời cho bèn dùng vào việc tín ngưỡng, dựng một ngôi nhà thờ để tạ ơn chúa. Lúc đầu nhà thờ dựng ở thôn trên ngoài bãi cát bờ sông Hồng, hàng năm thường bị nước lũ đe dọa, sau đó nhà thờ được xây dựng ở vị trí hiện nay.