TIN TỨC KHÁC
Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, học hành là ngoan, tuy nhiên, xu thế phát triển của xã hội ngày nay thì tình trạng bạo lực học đường, bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em hiện nay liên tục xảy ra, là nỗi bức xúc của xã hội, nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh và những người quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra đã bộc lộ những tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng. Vì vậy, để hiểu và có những biệp pháp giáo dục cho con em chúng ta biết những kiến thức cơ bản để bảo vệ an toàn cho bản thân mỗi đứa trẻ thì chúng ta, những người giáo viên, những bậc cha mẹ cần tìm hiểu thêm về nạn bạo lực, xâm hại trẻ em như sau:
I/ BẠO LỰC TRẺ EM
1. Thế nào là bạo hành?
Là hành động và lời nói có tính chất vũ phu, bạo ngược, thậm chí là độc ác như lăng mạ, đay nghiến, xỉ vả, xúc phạm, chà đạp, đánh đập, tra tấn… bất chấp pháp luật, đạo lý, làm tổn thương thể xác và tinh thần của người khác.
2. Bạo lực đối với trẻ em là các hành vi sau:
- Lăng nhục, chửi mắng, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý, gây tổn thương về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
- Hành hạ, ngược đải, đánh đập hoặc có hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng của trẻ em.
- Đối xử tồi tệ, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, bắt làm những việc trái đạo đức xã hội.
- Cưỡng ép lao động quá sức, quá thời gian quy định, làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại và những công việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm.
- Để trẻ chứng kiến bạo lực gia đình, học đường …
3. Hậu quả của hành vi bạo lực:
- Để lại hậu quả nặng nề cho trẻ em
- Về thể chất: Đau đớn, thương tích, ảnh hưởng xấu đến phát triển cơ thể.
- Về trí tuệ: Học hành giảm sút, chậm phát triển trí tuệ.
- Về hành vi: Thụ động, ngại giao tiếp, rối loạn hành vi, hung hăng, cư xử bạo lực với ngưới khác
- Về tâm lý: Mặc cảm, tự ti, mất lòng tin, thờ ơ, né tránh, gây rối nhiễu tâm lý.
- Làm xói mòn đạo đức gia đình và xã hội, gây bất ổn hoặc tan vỡ gia đình, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn của cộng đồng và xã hội.
4. Một số dấu hiệu hoặc biểu hiện của trẻ em bị bạo lực
* Trên cơ thể:
- Vết thâm tím, trầy xước; vết thương xuất hiện ỡ những chỗ thường khó có thương tích khi bị ngã; vết thương đang lên da non, vết sẹo, vết trầy xiết…
- Vết bỏng do thuốc lá hoặc bàn là, nước sôi, xuất hiện ở nhiều chỗ trên cơ thể.
- Vết gãy, vỡ rạn xương…
* Về tâm lý, thái độ và hành vi:
- Trẻ sợ hãi, hoãng loạn, né tránh tiếp xúc, có hành vi tự huỷ hoại mình, kết quả học tập sút kém.
5. Thông báo hoặc tố giác các trường hợp trẻ em bị bạo lực:
- Vì lương tâm và trách nhiệm bảo vệ tre em, mọi cá nhân, gia đình, trẻ em và cộng đồng hảy thông báo, tố giác cho người/cơ quan có trách nhiệm nếu nghi ngờ, phát hiện, chứng kiến trường hợp trẻ em bị bạo lực.
- Cần thông báo, tố giác kịp thời, trung thực, chính xác các thông tin có liên quan đến trẻ em bị bạo lực và đối tượng có hành vi bạo lực trẻ em.
- Không tố giác sai sự thật về trường hợp trẻ em bị bạo lực để làm hại người khác.
II/ XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM
1. Thế nào là xâm hại tình dục trẻ em
Xâm hại tình dục trẻ em là sử dụng trẻ em để thoả mãn nhu cầu tình dục của người lớn hơn. Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm lạm dụng tình dục trẻ em và bóc lột tình dục trẻ em.
2. Đối tượng xâm hại
- Người quen thân thiết: ông, bố dượng, chú, bác, anh em, hàng xóm, ….
- Người không quen biết.
- Thành phần: nam, nữ mọi lứa tuổi.
3. Các mức độ xâm hại tình dục
- Động chạm, sờ mó vào cơ thể hay những vùng nhạy cảm của chúng ta
- Phô trương làm thỏa mãn.
- Quan hệ.
- Bị xâm hại tình dục nghiêm trọng.
4. Dấu hiệu trẻ bị xâm hại tình dục
- Thái độ sợ sệt, ngượng ngùng mỗi khi giáp mặt đối tượng.
- Hay bị giật mình.
- Thoáng vui, thoáng buồn.
- Khóc lóc, gặp ác mộng.
- Trẻ sống thu mình lại, không muốn ra ngoài, không muốn trò chuyện với mọi người…
- Nếu bị xâm hại tình dục nghiêm trọng, trẻ có thể bị sốc, có những vết cào, bầm tím, vùng kín bị sưng, chảy máu, hay có dịch nhầy.
5. Tác hại của việc xâm hại tình dục
- Làm tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần, tâm lý, sức khoẻ của trẻ.
- Gây hoang mang, lo lắng cho gia đình và xã hội.
- Làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em, của dân tộc.
- Làm gia tăng tệ nạn mại dâm, tệ nạn buôn bán phụ nữ, tăng sự lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục.
- Gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục và truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta.
6. Các quy tắc phòng chống nguy cơ bị xâm hại:
- Không đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ.
- Không ở trong phòng kín một mình với người lạ. Nếu đó là người quen của gia đình thì cửa phòng phải luôn được mở.
- Không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do.
- Không đi nhờ xe người lạ, hoặc sử dụng ăn uống của người lạ đưa .
- Không để cho người lạ đến gần đến mức họ có thể chạm tay vào người mình.
- Không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình.
- Không nói chuyện điện thọai với người lạ khi đang ở nhà một mình.
- Không cho ai có quyền tùy tiện động chạm, sờ mó vào chỗ kín của cơ thể hoặc bất kỳ hành động thô lỗ nào với các em.
- Không ăn mặc hở hang, không gần gũi quá mức với người lạ, kể cả những người thân họ hàng (trừ Bố mẹ, ông Bà, anh chị em ruột của mình) .
- Tin vào linh tính của bản thân khi thấy điều gì không bình thường cần cảnh giác và chủ động nghĩ cách phòng tránh để thoát ra khỏi tình huống đó.
7. Phòng tránh các nguy cơ bị xâm hại tình dục
- Nhận dạng những hành vi xấu như: ép trẻ uống bia, rượu, hút thuốc, sờ mó, vuốt ve bộ phận sinh dục của trẻ, rủ trẻ vào chỗ tối…
- Không nói chuyện với người lạ, nên giả vờ như không nghe thấy và đi nhanh sang nơi khác khi người lạ bắt chuyện.
- Có thể nói dối để thoát khỏi nguy hiểm.
- Kiên quyết phản đối, có thể la hét, kêu khóc, cắn và kêu cứu hoặc tìm cách để chạy tới nơi đông người.
- Gọi đến số điện thoại của cha mẹ, người thân hoặc điện thoại khẩn cấp như 111, 115, 113…
8. Những biện pháp giúp các em tránh nguy cơ bị động chạm không an toàn, bị xâm hại:
- Bố mẹ Bắt đầu trò chuyện về giới tính khi trẻ 2 tuổi. Hãy cho trẻ biết rằng, cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “Không”.
- Khi tắm cho trẻ, hãy nói cho trẻ biết rằng, không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của con, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố hoặc mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.
- Cha mẹ hãy giải thích cho trẻ về sự khác biệt giữa những bí mật "tốt" và "xấu". Những câu như “Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình" thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe. Những bí mật "tốt" có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật "xấu" là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi và con cần nói ra. Hãy nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo...
- Đứng ngay dậy.
- Nhìn thẳng vào kẻ định sàm sỡ.
- Lùi ra xa đủ để không cho họ với tay được đến mình.
- Nói to/hét to và kiên quyết: Không! Hãy dừng lại! Tôi không cho phép! Tôi không muốn! Nếu không dừng lại, tôi sẽ mách với mọi người …
(Có thể nhắc đi nhắc lại).
- Bỏ chạy đến chỗ an toàn nếu họ tìm cách sờ nắn hoặc ôm ấp mình và kêu to cầu cứu sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.
- Kể ngay với cha mẹ hoặc những người tin cậy. Nếu người thứ nhất chưa tin lời em thì kể với người thứ hai, nếu người thứ hai chưa tin thì kể cho người thứ ba,… cho đến lúc có người tin và giúp đỡ. Cha mẹ, người lớn trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè, trụ sở công an gần nhất,… hay bất cứ người nào mà các em tin tưởng là người các em cần tìm và nhờ họ giúp đỡ, bảo vệ.
- Nếu em bị sàm sỡ, xâm hại, hãy kể ngay với cha mẹ, người thân và cùng người lớn đến cơ sở y tế để khám.
- Các em không nên phớt lờ, chối bỏ, né tránh vấn đề.
9. Cách xử lý khi bị xâm hại tình dục
- Cố gắng gần gũi con, khuyến khích con cởi mở tâm trạng.
- Tùy vào mức độ của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, có thể nói chuyện với con về sự việc đã xảy ra ở mức độ cụ thể nhất định.
- Không để cho con có cảm giác phải che giấu, thu mình vào một thế giới hoang mang của riêng mình.
- Đưa trẻ đi khám để xác định mức độ và điều trị tổn thương thực tế.
- Sử dụng các liệu pháp tâm lý để chữa trị chấn thương tâm lý cho trẻ.
Lưu ý:
- Không làm ầm ĩ và quá lên mức độ trầm trọng của việc sẽ khiến cho trẻ xấu hổ và tổn thương hơn.
- Không giấu diếm mọi chuyện mà phải tìm cách vạch trần “yêu râu xanh” để tránh gây hại cho những trẻ em khác.
Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em: (111)
Công an: (113)
Cứu thương: (115)
Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội: (ĐT 02433.525.662/0912.902.611) để kịp thời kết nối, tham vấn, tư vấn, hỗ trợ cho trẻ trong các trường hợp cần thiết nhất.
Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bị bạo hành, xâm hại dù bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi đó như thế nào.