TIN TỨC NỔI BẬT TIN TỨC NỔI BẬT

BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH SỞI
Publish date 07/10/2024 | 11:00  | Lượt xem: 41

       Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông - xuân, đến nay sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong phòng, không gian khép kín và ở nhóm người chưa có miễn dịch phòng bệnh sởi do chưa được tiêm chủng vắc xin sởi, chưa từng mắc bệnh sởi trước đó hoặc ở một số rất ít đối tượng không có đáp ứng sau tiêm vắc xin.

1. Nguyên nhân gây bệnh:

Bệnh sởi do vi rút sởi thuộc nhóm Paramyxovirus gây nên. Đây là loại virus có sức chịu đựng yếu, dễ bị tiêu diệt bởi các thuốc sát khuẩn thông thường, ánh sáng mặt trời…virus sởi tồn tại ở họng và máu bệnh nhân từ cuối thời kì ủ bệnh đến sau khi phát ban một thời gian ngắn. Bệnh rất dễ lây, thường gặp ở trẻ em, gây viêm long ở kết mạc mắt, đường hô hấp, tiêu hoá và các phát ban đặc hiệu. Có nhiều biến chứng nặng nề.

2. Đường lây:

Người là nguồn bệnh duy nhất, lây trực tiếp qua đường hô hấp. Đặc biệt ở trẻ em chưa có miễn dịch, trẻ em từ 2 - 6 tuổi mắc bệnh nhiều.

3.Triệu chứng của bệnh sởi:

a. Thời kì ủ bệnh: 10 -12 ngày.

b. Thời kì khởi phát:

- Hội chứng nhiễm khuẩn: Sốt 38,5oC - 40oC, nhức đầu, mệt mỏi …

- Hội chứng xuất tiết niêm mạc:

+ Mắt: Kết mạc đỏ, phù mi mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng.

+ Hô hấp: Sổ mũi, hắt hơi, khản tiếng, ho khan, có khi có ít đờm

+ Tiêu hoá: Nôn, đi ngoài phân lỏng.

- Có hạt nội bang: Trên nền niêm mạc má viêm đỏ nổi lên những chấm trắng nhỏ, đường kính khoảng 1mm.

c. Thời kì toàn phát:

- Sốt cao 39oC - 40oC, có thể mê sảng co giật, ho nhiều, viêm nhiễm và xuất tiết đường hô hấp, chảy nước mắt.

- Phát ban với đặc điểm:

+ Là ban dát sẩn, màu đỏ, hồng hay tía. Hình tròn hoặc hình bầu dục, to bằng hạt đậu, hay cánh bèo tấm, sờ vào mềm, mịn như sờ vào tấm vải nhung, giữa các ban sởi có khoảng da lành.

+ Thứ tự mọc ban:

Ngày thứ nhất: Ban sởi mọc ở chân tóc, sau tai, sau gáy, trán, má đầu, mặt, cổ.

Ngày thứ hai: Ban mọc tới ngực lưng và hai tay.

Ngày thứ ba: Ban mọc xuống bụng và hai chân.

+ Ban sởi tồn tại hai đến ba ngày rồi lặn theo trình tự đã mọc để lại trên da những vết thâm vằn như da hổ da báo. Khi ban lặn các dấu hiệu lâm sàng khác giảm dần.

4. Biến chứng:

Virus sởi phá huỷ lớp biểu mô niêm mạc và hệ thống miễn dịch, làm giảm lượng vitamin A, do đó có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khác.

- Bội nhiễm: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm tai giữa.

- Thần kinh: Viêm não sau sởi

- Suy dinh dưỡng do ăn uống kiêng khem.

- Loét miệng: Các vết loét ở trong miệng, môi lưỡi; vết loét có màu đỏ, được phủ một lớp trắng rất đau. Vết loét có thể sâu, rộng làm cho trẻ ăn khó khăn

- Chảy mủ mắt.

- Mờ giác mạc, đây là dấu hiệu nguy hiểm có thể do thiếu vitamin A.

5. Các biện pháp phòng bệnh:

Để chủ động phòng chống bệnh sởi cần thực hiện các biện pháp sau:

• Hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 vắc xin phối hợp sởi – rubella khi trẻ đủ 18 – 23 tháng tuổi trong Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chiến dịch do cơ quan y tế địa phương tổ chức.

• Người lớn trong gia đình có trẻ dưới 5 tuổi chưa mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi và phụ nữ trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh sởi (có thể tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh sởi – quai bị - rubella) tại các cơ sở tiêm chủng để phòng bệnh cho chính bản thân và cho trẻ trong gia đình mình.

• Thường xuyên vệ sinh các nhân, vệ sinh mũi, họng, mắt hàng ngày cho trẻ. Với người lớn trước khi tiếp xúc với trẻ cần vệ sinh bàn tay, thay quần áo...

• Ăn uống đầy đủ chất, dinh dưỡng hợp lý.

• Nơi ở phải được thông thoáng, lưu thông không khí như: mở cửa sổ thường xuyên, có ánh nắng mặt trời chiếu vào, bật quạt để thông thoáng khí...

• Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng của người mắc bệnh. Làm sạch vật dụng cá nhân, đồ chơi, đồ vật nghi bị ô nhiễm chất tiết mũi họng của người mắc bệnh bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

• Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 – 2 lần/ngày.

• Hạn chế tiếp xúc với các trường hợp mắc/nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh sởi.

• Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng như sốt, phát ban, chảy nước mũi,... gia đình phải thông báo ngay đến Trạm y tế xã, phường; các cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí, điều trị, cách ly kịp thời.

• “Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng chống bệnh sởi !”

• “Hãy đưa trẻ từ 1- 5 tuổi đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi-rubella tại tại trạm y tế”.

          Trên đây là những điều cần biết về bệnh Sởi. Hy vọng bài tuyên truyền sẽ đem lại những kiến thức bổ ích và thiết thực giúp quí phụ huynh có con em từ 1-6 tuổi hiểu biết và có cách phòng tránh khi gặp căn bệnh trên./.