BẢN ĐỒ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH BẢN ĐỒ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ XÃ VẠN PHÚC – THANH TRÌ
Publish date 10/05/2021 | 09:00  | Lượt xem: 15280

GIỚI THIỆU VỀ XÃ VẠN PHÚC

   Địa chỉ: Thôn 2, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì – TP Hà Nội

   Điện thoại: 02438613723

   Email:      UBND:  xvp_thanhtri@hanoi.gov.vn.

1. Lịch sử hình thành

           Theo thống kê của Học giả Ngô Vi Liễn, năm 1926 xã Vạn Phúc có 1.232 nhân khẩu thuộc làng có dân số trên trung bình ở châu thổ Bắc Bộ.  Cho đến đầu thế kỷ XIX, làng Vạn Phúc cũng là một xã (Vạn Phúc Châu), thuộc tổng Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (từ tháng 11 năm 1831 đổi làm tỉnh Hà Nội, năm 1902 là tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 là tỉnh Hà Đông).

           Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Vạn Phúc vẫn là một xã độc lập thuộc huyện Thanh Trì; đến tháng 8 năm 1948, nhập với các làng Tranh Khúc, Văn Uyên thành xã Đại Hà, lần lượt thuộc huyện Liên Nam, quận Ngoại thành, quận VI ngoại thành Hà Nội. Hòa bình lập lại, xã có tên Đại Hà thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông.

          Tháng 7 năm 1956, sau khi hoàn thành bước đầu cuộc Cải cách ruộng đất, xã Đại Hà được chia thành hai xã: xã Vạn Phúc (chỉ gồm làng Vạn Phúc) và xã Duyên Hà (gồm các làng Đại Lan, Tranh Khúc và Văn Uyên), đều thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông.

          Từ đầu tháng 6 năm 1961, theo Quyết định số 78 - CP của Chính phủ về tổ chức hành chính của Thủ đô Hà Nội, Vạn Phúc trở thành một xã của huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Trước Cách mạng, làng Vạn Phúc có 14 xóm, phân bố thành ba thôn:

          Thôn Một gồm sáu xóm: xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Lải, xóm Đồng Tâm, xóm Đầm Dĩ, về sau có thêm xóm Soi. Đến nay, ba xóm là xóm Thượng - xóm Hạ - xóm Lải đã bị lở xuống sông Hồng.

         Thôn Hai  gồm bốn xóm: xóm Đường Cống, xóm Bồ Cóc, xóm Bến Đò, xóm  Trại.

         Thôn Ba gồm bốn xóm: xóm Công, xóm Giữa, xóm Đầm Ké, xóm Cầu Đất.

           Năm 1955, một bộ phận cư dân thôn Ba đã chuyển vào trong đê, thành lập xóm Tân Lập. Sau trận lụt năm 1971, đất đai ở xóm đầu làng ở thôn Một bị lở nên toàn bộ khối dân cư này được chuyển lên khu vực 15 mẫu đất cạnh Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Viện Quy hoạch rừng, cách trung tâm xã gần 6 km, hình thành khu dân cư mới, trực thuộc hợp tác xã của thôn Một. Đến năm 2002, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì ra quyết định công nhận bộ phận dân cư này là một thôn độc lập của xã, gọi là Thôn Bốn. Tuy ở cách xa, nhưng dân thôn vẫn gắn bó khăng khít với làng gốc về lệ tục, tình cảm, tâm linh và ý thức về cội nguồn.

            Đến nay, tổng diện tích đất tự nhiên là 632,872 ha (trong đó đất trong địa giới hành chính là 547,132 ha, đất xâm canh, xâm cư ngoài địa giới hành chính là 76,74 ha). Toàn xã có 4 thôn với tổng số 3.792 hộ gia đình với số nhân khẩu là 13.625 người. (Số liệu cập nhập đến ngày 31/12/2020).

             2. Vị trí địa lý

             Xã Vạn Phúc nằm ở phía Đông Nam huyện Thanh Trì là một trong 16 xã, thị trấn của huyện Thanh Trì, thuộc ngoại thành Hà Nội. Phía Bắc và Đông bắc giáp xã Văn Đức, huyện Gia Lâm; phía Đông giáp huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; phía Nam giáp huyện Thường Tín; phía Tây giáp hai xã Đông Mỹ và Duyên Hà. Vạn Phúc là một trong số rất ít làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có địa hình đặc biệt. Sông Hồng chia xã Vạn Phúc làm hai nửa:

            Một nửa là toàn bộ khu cư trú và phần lớn diện tích canh tác. Phía Tây của nửa này tiếp giáp hai xã Đông Mỹ và Duyên Hà cùng thuộc huyện Thanh Trì; phía Nam giáp xã Ninh Sở, huyện Thường Tín.

           Nửa còn lại từ thị trấn Văn Điển huyện Thanh Trì theo Quốc lộ 1A khoảng 2 km, rẽ tay trái theo đường Ngũ Hiệp, qua xã Đông Mỹ, lên đê Sông Hồng rẽ phải, đi tiếp 2 km nữa, rẽ xuống vùng đất bãi có diện tích 69 ha; phía Bắc và Đông Bắc giáp các làng Chử Xá, Sơn Hô thuộc xã Văn Đức, huyện Gia Lâm; phía Đông là các xã Liên Nghĩa, Thắng Lợi thuộc huyện Văn Giang của tỉnh Hưng Yên.

         3. Tổ chức bộ máy của xã gồm:

          Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội, có chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước ở địa phương và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực: Chính trị, Kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025  là: "Phát huy những thành quả đã đạt được, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, sức mạnh của hệ thống chính trị, tập trung trí tuệ, giữ vững kỷ  cương, tăng cường đoàn kết, dân chủ, đổi mới, xây dựng xã Vạn Phúc văn minh, giàu đẹp".

        4. Các phần thưởng cao quý đã được trao tặng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Vạn Phúc từ năm 2015 đến nay:

Năm 2015: - UBND TP Hà Nội tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua thành phố.

                - Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ "Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chúng sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Năm 2016:    - UBND TP Hà Nội tặng Bằng công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” .        

Năm 2017:   - UBND TP Hà Nội tặng Tập thể lao động xuất sắc cấp thành phố năm 2017.

               - Bộ LĐTBXH tặng Bằng khen "Đã có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017)".

Năm 2018:  - UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen "Đã có thành tích trong 05 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Năm 2020: - UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen "Đã có thành tích trong công tác chi trả hỗ trợ cho các đối tượng theo Quyết định số 1757/QĐ-UBND ngày 29/4/2020 của UBND thành phố Hà Nội gặp khó khăn trong đại dịch  Covid-19”.

                                                                                                                                           

                                                                                                                                                          Nguyễn Thị Thắm